Trang

8.8.18

Như mộng như huyễn | Cyclo#1

Lương Triều Vỹ, Cyclo, Xích Lô, Trần Anh Hùng, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ,
Tôi không hề đặt ra một dự định nào đó với Cyclo. Chưa bao giờ! Kể cả sau cơ duyên được lắng nghe một buổi tọa đàm của đạo diễn Trần Anh Hùng. Không hề có một động cơ nào, dù là học thuật, thưởng thức hay là vì tình cảm. Thế mà, thứ 3 ngày 7 của mùa mưa năm này, tôi đã ngồi xem một mạch trong 2 giờ đồng hồ.

Nguyên do giản dị lắm! Chờ được thấy một khuôn mặt. Tôi đã chờ, chờ mãi mà không thấy đâu cả. Không thấy khuôn mặt thân quen. Đổi lại tôi lại được gặp gỡ rất nhiều khuôn mặt thân quen khác. Của nền nghệ thuật nước nhà. Quen nhưng lại rất lạ. Kỳ lạ là vì họ đều xuất hiện theo một cách rất đặc biệt. Như đinh đóng. Chắc là phải rất khó, rất lâu, còn phải rất lâu nữa mới có thể gỡ những ấn tượng đó. Ra khỏi tâm tư. Tôi đã chờ, chờ mãi rồi quên mất luôn cả sự chờ. Thứ chen chúc  trong tôi lúc này là những thân phận và Saigon. Đúng thực là Saigon, đúng thực là thời tiết mà tôi hằng ước ao, đúng thực là bầu trời mà tôi chưa từng dám tin sẽ rợp bóng trong một tác phẩm điện ảnh Việt.

Có quá nhiều phản ứng đang kết tủa. Có lẽ tôi sẽ viết trong một lúc khác, khi mà nghĩ suy đã đằm thắm hơn. Còn ở trang trải đầu tiên này, về Cyclo, tôi muốn thuật lại… một giấc mơ. 

Lương Triều Vỹ.

Khuôn mặt Cảng Thơm cũng không phải là lý do cho sự ngồi chờ. Thông tin về sự xuất hiện của Little Tony tôi đã được biết. Không một bất ngờ nào. Tư duy đã được dọn sẵn. Thế mà… rốt cuộc… sau cùng… khuôn mặt ấy lại là nguồn cơn cho bao nhiêu thổn thức và mê say xâm chiếm. Say thật! Mê thật! Cách anh bước, cách anh nhìn, tất thảy chuyển động, biểu cảm… như một giấc mơ.

Chẳng hiểu sao, dáng hình không hề cao lớn, bờ vai không hề dài rộng mà sức hút lại mãnh liệt đến vậy. Và hiệu ứng ngân vang. Dư âm ngân vang, xa thấu… tận chân trời. Giờ tôi mới hiểu khái niệm thần lực là có thật. Chẳng cần đến thoại. Chẳng cần đến náo. Chỉ một ánh nhìn thôi. Đôi mắt như tóm như thâu một biển trời u uẩn. Gã giang hồ, đầu lĩnh trộm cướp, đòi nợ, giết người, buôn hàng cấm, chăn gái tơ. Không một nghiệp nhân xấu xa nào mà chàng ta chưa nhúng thả. Sự hung bạo, tàn độc có thể đập cánh bất kỳ lúc nào. Vậy mà tôi vẫn hồ nghi lắm. Thật khó để tin vào cái ác đang giăng lưới trong con người ấy. Vì đôi mắt thôi. Một đôi mắt buồn sâu thăm thẳm. Đôi mắt của một kẻ đi lạc, một thân phận bị đánh cắp. 

Tấm ảnh duy nhất, tấm ảnh cho ta biết về diện mục của một nhân vật không tên, bị tráo đổi ngay trong đêm giao thừa. Trong giờ phút linh thiêng, sự cầu nguyện tưởng chừng sẽ thăng thiên cho một linh hồn sa đọa. Nhưng nghiệt ngã thay, một bàn tay, tay chuyền tay, những bàn tay cũng của những mảnh đời dạt trôi vô danh nào đó đã lén lút đưa tấm ảnh ấy về lại vòng quay băng đảng. Ôi, cái vòng quay bất thiện ấy, chừng nào mới dứt những vòng quay?

Đêm trắng đã sau lưng rồi và một vận hội mới đang đến. Nhưng sao vẫn ngồi ngay đây. Chỏng trơ. Ngơ ngác. Sao vẫn còn thẫn thờ? Sao vẫn chưa dứt những truy vấn về tình nhân? Cô gái ấy và tôi. Thực hay là mơ? Chúng tôi vẫn chưa biết tên của anh. Anh đã đến, rồi đi, lai vãng… khác nào một huyễn mộng. Nỗi buồn của anh, vẻ u uẩn tận cùng, đôi mắt chưa một lần trực diện giao cảm, đó chính là một ấn chứng của sự thức tỉnh. Kẻ biết buồn. Kẻ tỉnh táo nhất trong thế giới u minh đó. Kẻ ý thức nhất về hoàn cảnh mình, cuộc đời mình. Kẻ đã biết một sự thật từ rất sớm, từ tinh mơ: 

- Không sang giàu nào có thể sánh bằng thơ ngây. 

Anh cần điều ấy nhất. Hơn là quyền thế, hơn là tiền bạc, hơn là dục tình. Đó là lý do duy nhất để tồn tại, để bảo vệ, để giữ gìn, để tiến lên. 

Không còn thi hứng, Nhà Thơ còn gì?