Trang

31.8.18

Nhạc của An | SL#15

Trước giờ đến rạp, tôi ngồi nghe toàn bộ phần nhạc viết cho Song Lang. Đây có phải là tuyển tập nhạc phim không? Phải mà cũng không phải. Đúng là các rãnh âm thanh đã được sử dụng trong Song Lang. Nhưng chưa phải là vì chỉ có một nửa.

Song Lang là một bộ phim đặc biệt. Người tạo ra tác phẩm này ôm đồm nhiều mục tiêu. Hẳn nhiên mọi mục tiêu của một nhà làm phim cuối cùng cũng quy về một mối. Sự ấn tượng. Gây ấn tượng làm sao để người xem quay lại với mình.

Ít nhất là với tôi, họ đã thành công. Sau lần đầu tiên, tôi đã quay lại với họ thêm 6 lần. Trong trang nhật ký này, tôi tập trung vào âm nhạc. Âm nhạc là một phần cực kỳ quan trọng trong một tác phẩm điện ảnh. Ở Song Lang, tầm quan trọng của nhạc được đẩy lên ngưỡng cực đại. Hiệu quả ra sao thì chưa biết nhưng chắc chắn người xem thấy được mức độ đầu tư và tâm lực của đạo diễn. Tác phẩm này có 2 tuyến nhân vật và đạo diễn sử dụng 2 nguồn nhạc dành riêng cho từng nhân vật của mình.

Với Linh Phụng, anh dùng chất nhạc của quê hương, tạm gọi là Nhạc Đông. Anh hiệp cùng một người nữa để tạo nên cặp đôi soạn giả. Anh dành hẳn một thời lượng rất dài, dài đến mức ngạc nhiên để tạo nên “quốc ca” cho Linh Phụng.

Với Dũng, một cái tên khác xuất hiện để trợ lực. Tôn Thất An, chịu trách nhiệm về toàn bộ phần nhạc mà chủ lực là đại vĩ cầm và dương cầm, tạm gọi là Nhạc Tây. Toàn bộ album mà tôi nghe trong buổi chiều trước lần xem thứ VII là “quốc ca” dành riêng cho Dũng. Hẳn nhiên không phải tất cả các phần sáng tác là để riêng cho Dũng nhưng khi nghe theo tiến trình sắp xếp theo thứ tự 12345, ký ức của tôi về hành trình phục thiện của Dũng được tái hiện rõ nét.

Phần nhạc dành cho cao trào cũng như vĩ thanh theo tôi là tròn trịa. Ở lần xem đầu tiên, tôi không mấy ấn tượng với công trình của An. Có lẽ là do sự lấn át và thống trị của giọng ca Linh Phụng. Nhưng đến các lần sau, lần tiếp theo sau và đặc biệt là buổi chiều này, chất nhạc mà An đã dày công thao thức bắt đầu dần thấm.

Tôi cảm được sức nặng chỉ trong một phím đàn. Chỉ một động tác kéo dây thôi là tâm hồn bộn bề se sắt. Cũng cần phải viết rõ là ngay khi tôi nghe đến cái tên Tôn Thất An thì tôi đã nghĩ đến Tôn Thất Tiết. Tôi không hiểu hai bên có liên hệ gì không. Người tôi vừa nhắc là người làm nhạc cho Cyclo, một bộ phim mà tôi mê mệt. Tôi có kế hoạch xem lại phim này trong tháng 9, xem ở đây gọi là xem ké. Mình tới một nơi có màn hình lớn và âm thanh tương đối chất lượng để nếm trải trọn vẹn hiệu ứng âm thanh trong Cyclo.

Viết ra như vậy để thấy người làm nhạc trong Song Lang may mắn hơn người đi trước. Không biết bao nhiêu người yêu, yêu một tình yêu chơn thiệt với Song Lang? Nhưng so với Cyclo, Song Lang có phần may mắn hơn vì đã đàng hoàng xuất hiện ở nhiều rạp chiếu hiện đại, đủ phẩm chất nghe nhìn. Và khán giả khi đến rạp, họ có thể thất vọng ở nhiều mặt với Song Lang. Nhưng sẽ rất khó tin với tôi nếu vang lên đâu đó một lời chê trách về phần nhạc trong phim này. 

Để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, một điều không thể tranh cãi, nhất là với những ai đã đến rạp, đó là sự hưởng thụ âm thanh. Sẽ là khác biệt hoàn toàn nếu như xem một bộ phim điện ảnh bằng màn hình máy tính. Rất nhiều thứ sẽ rơi rớt, trong đó đáng phải kể đến chính là hiệu ứng âm thanh cùng những xáo trộn, sắp đặt, luân phiên giữa không chỉ điệu ca, tiếng đàn, các bản hòa âm, các bản nhạc có lời mà còn là tiếng nền, tiếng ngoài hình.

Ở phương diện âm nhạc nói riêng và âm thanh nói chung, có thể nói rằng Song Lang là một cuộc chơi lớn. Đây không phải là phim âm nhạc nhưng sự bỏ công dành cho lãnh vực âm thanh cho tôi thấy rõ tình yêu thật sự của người đạo điễn, không chỉ nhạc Đông mà cả nhạc Tây. Qua các lời hát do chính anh viết, tôi còn thấy rõ chiều sâu trong sự thẩm âm và cảm nhạc.

Giờ tôi muốn viết về rạp chiếu hôm nay. Đây chỉ là một rạp nhỏ. Tôi không có mơ tưởng nào về chất lượng của nó trước khi đến. Chỉ là tôi chưa từng đi rạp này. Song Lang thực sự là một lý do tốt để kiểm tra chất lượng của một rạp chiếu bóng. 

Về phần hình ảnh, ngay ở góc phải bên dưới màn hình là cửa thoát hiểm. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà người quản lý rạp cần xem xét. Trên mỗi cửa thoát hiểm luôn có bảng đèn với chữ “exit”. Chữ này khi bật sáng hắt ra màu xanh lá cây. Vấn đề là cửa thoát hiểm nằm sát ngay màn hình. Thế nên ánh sáng màn hình và ánh sáng xanh bên dưới là một đối chọi. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, trong một rạp chiếu, không được phép có một nguồn sáng nào khác với nguồn sáng phát ra từ màn hình. Thứ ánh sáng xanh của chỉ 4 chữ cái dù rất nhỏ nhưng đối với tôi là một chướng ngại thị giác không hề nhỏ.

Nhưng tôi cũng nhẹ nhàng bỏ qua. Tôi đến đây để kiểm tra là chính. Phim đã xem đến lần thứ VII vậy nên tôi không có đòi hỏi nào quá mức nữa. Tuy vậy, đời hình như luôn là có khổ có vui. Khổ vui luôn song hành. Một điểm cực kỳ tích cực nếu không muốn nói là niềm hân hoan, niềm phấn khích cực lớn. Đó là âm thanh của rạp. Tôi không hiểu họ đặt để loa như thế nào mà hiệu ứng trái-phải tôi thâu nhận rất rõ ràng. Trái-phải rồi đến xa-gần, rồi đến trong-ngoài, cường độ, cao độ, trường độ. Mọi cung bậc âm thanh đều rất tốt. Ở những rạp trước đó, không hiểu vì sao tôi lại không có một cảm giác tương tự.

Như đã viết ở trên, Song Lang có một sức lao tác đáng ghi nhận về mặt âm thanh. Và rạp chiếu đêm thứ 5 ngày 30 tháng 8 giúp tôi tận hưởng rõ ràng ưu điểm này của bộ phim. Lần xem thứ VII như vậy đã là một sự không phí hoài thời gian và tiền bạc. 

Tôi ra về trên chiếc xe bus số 1 vào lúc 8 giờ tối. Tôi mất 2 lượt xe bus để đến rạp. Trạm chuyển tiếp của tôi là ở Bến Xe Chợ Lớn. Khi đến trạm, tôi không lên chiếc xe bus như lượt đi. Tôi quyết định đi bộ hơn 3km về nhà. Con đường dài, những bước chân sẽ giúp tôi nuôi dưỡng sự trân trọng đối với chất nhạc Tây mà tôi đã bắt đầu thương nhớ, nhạc của An.

#Nhiên