Trang

30.8.18

LẠC | TNRR#13

Tháng năm rực rỡ, đạm nhiên
Tháng Năm Rực Rỡ (#TNRR) trong ý nghĩa giản dị nhất với mình là câu truyện tìm bạn. Phim kể về những con người LẠC nhau. Phim giải quyết vấn đề ĐI LẠC. 

Doanh thu của phim là một minh chứng hùng hồn cho sự thành công. Nhưng doanh thu không phải là tất cả. Cần tới một yếu tố khác. Đó là sự chinh phục người xem, giới chuyên môn lẫn khán giả thông thường. Chinh phục mọi giới, càng nhiều càng tốt. 

Để tạo ra một phản ứng bị chinh phục nơi khán giả thì theo mình cũng không nằm ngoài tiếng đó.

Cũng là LẠC.

Người đạo diễn phải làm sao để giữ cho cảm xúc người xem không bị lạc, lạc khỏi chủ đề của tác phẩm. Vậy nên có 2 chuyện quan trọng. Thứ nhất, bộ phim phải có một chủ đề rõ ràng. Thứ hai, mạch phim phải giữ cảm xúc của người xem không lạc khỏi chủ đề đã nêu ra.

Mình chỉ xem phim 2 lần nên thật khó nói rằng mình nhớ kỹ từng tình tiết. Mình không thể vẽ lại được con đường đi của tâm thức một cách chính xác. Nhưng mình có thể nói là mình đã không lạc. Hay nếu có lạc thì chỉ là một khoảnh khắc, một đoạn rất ngắn.

Trái tim của tác phẩm này là Hiểu Phương. Đường dây câu chuyện do vậy cũng là những bước chân của Hiểu Phương. Cô tìm bạn. Và trong quá trình tìm bạn, người xem được thấy lại vô số dữ kiện thuộc về quá khứ. Hai tuyến thời gian hôm qua, hôm nay được dàn dựng chặt chẽ. Các mối nối đan xen mượt mà. Tình bạn được khắc họa đầy đặn, bi hài nhuần nhuyễn, cao trào gây xúc động. Người xem đủ bằng cớ hình ảnh, âm thanh để tin vào tình bạn đẹp của Hiểu Phương và nhóm Ngựa Hoang. Qua đó, vẻ đẹp của tuổi trẻ hiện lên không sai khác như tựa đề “Tháng năm rực rỡ”.

Duy chỉ có một điểm lấn cấn. Đó là tình yêu của Hiểu Phương và Đông Hồ. Tình yêu chỉ là phụ. Tình bạn là chính. Mạch dẫn của tình yêu chỉ là điểm xuyến cho mạch dẫn về tình bạn. Mình hiểu rõ điều này. Phải thừa nhận là phim đã hoàn thành xuất sắc công việc “đi tìm trẻ lạc”, những người bạn lạc nhau tìm được nhau. Âm nhạc, diễn xuất, dàn dựng tổng thể và kịch bản chặt chẽ khiến cho mình có thể dễ dàng bỏ qua điểm lấn cấn này. Tuy vậy, không thể nào chối bỏ một sự thật là mình đã lạc. Có một phút mình đã lạc lối thật sự.

Thời điểm mình xem TNRR là vào tháng 3. Giờ là tháng 8. Mình xem Song Lang. Bộ phim này khiến mình đi lạc không chỉ trong một phút. Không phải chỉ có một điểm lấn cấn mà rất nhiều lấn cấn. Lạc trong cảm xúc dẫn đến lạc trong chủ đề. Khi mà suy nghĩ về sự LẠC trong Song Lang bắt đầu dày lên thì mình quay lại với TNRR. Mình muốn nhìn lại, nhìn kỹ hơn nguyên cớ nào đã tạo ra phản ứng hồi tháng 3. Mình muốn xác định cụ thể cái phút lạc lối đó diễn ra ở đâu trong hành trình của Hiểu Phương.

Câu trả lời như vừa biên ở trên. Chính ở tuyến truyện giữa Đông Hồ và Hiểu Phương. Mình chưa ngồi phân tích kỹ về cấu trúc 3 hồi. Nhưng mình vội đoán phân đoạn khiến mình lạc lối rơi vào nửa cuối hồi 2. Hiểu Phương trong hành trình tìm bạn cũng đã tìm thấy Đông Hồ, tình yêu đầu đời. Tuy nhiên, cách đặt để sự trùng phùng của 2 nhân vật này khiến mình không thể chấp nhận.

Sự tái xuất của các cô bạn thân được lý giải rất hợp lý. Hiểu Phương tìm về trường cũ, gặp lại cô giáo cũ. Cô giáo cho Hiểu Phương địa chỉ của Lan Chi. Lan Chi làm nghề cầm đồ. Danh sách khách hàng của Lan Chi đủ mọi tầng lớp mà phần lớn là người lao động bình dân. Nhờ có nhóm người này mà Hiểu Phương cùng Lan Chi tìm lại được những thành viên còn lại. Trong dự định ban đầu, Hiểu Phương không tìm Đông Hồ. Trong ký ức của cô có Đông Hồ nhưng cô không chủ động tìm anh. 

Ở bản gốc Hàn Quốc, Hiểu Phương cũng tìm thấy Lan Chi đầu tiên. Lan Chi là một nhân vật có nguyên ảnh “Đồng Minh”. Chức năng của nhân vật này là hỗ trợ cho nhân vật chính, đồng thời gây hài, tạo sự thư giãn cho câu chuyện. Tên có thể khác, nói một ngôn ngữ khác, làm một công việc khác nhưng chức năng đóng góp cho bánh xe câu chuyện thì chắc chắc không đổi. Trong quốc tịch Hàn Quốc, Lan Chi làm nghề bán bảo hiểm. Cô dẫn bạn mình tìm đến một văn phòng thám tử. Sau khi nhờ tìm những cô bạn gái, Hiểu Phương nhờ giúp tìm thêm tình đầu, Đông Hồ. 

Ở bản Việt Nam, không có một mở đề như vậy dành cho Đông Hồ. Thế nên, khi bắt gặp cảnh Hiểu Phương vào quán cà phê và nhìn thấy Đông Hồ, mình cảm thấy lạc. Mình không tìm ra được manh mối nào cho sự kiện này.

Để tiếp tục phân tích thì mình cũng cần phải nhắc đến một kỹ thuật dựng cắt mà TNRR là một minh chứng sống động. Ngay từ đầu phim, khán giả đã được tập dợt để làm quen với một lối cài đặt xen kẽ quá khứ hiện tại. Mình tạm gọi lối biên tập hình ảnh này là “song trùng”. 

Mình lấy ví dụ. Hiểu Phương hai nghìn đứng trước cánh cổng trường học. Tiếp sau đó, Hiểu Phương nghìn chín bảy mươi bước vào cổng. Con gái Hiểu Phương hai nghìn vội vã ra khỏi nhà vì trễ học. Kế đó, Hiểu Phương nghìn chín bảy mươi hối hả ôm cặp đến trường. 

Ở TNRR, người xem được chiêm ngưỡng liên tục thủ pháp song trùng. Đến đoạn Hiểu Phương tái ngộ Đông Hồ thì hiệu ứng song trùng vẫn đậm đặc. Nơi chốn là quán cà phê mà 2 người từng gặp. Cũng là một câu nói của Hiểu Phương:

- Cho tôi ly cà phê … đen đậm.

Nhưng vì sao Hiểu Phương hai nghìn, trước đó vẫn đang ở Sài Gòn, lại thoắt cái đã có mặt ở Đà Lạt. Khoảng khách 300 cây số và lời giải thích rơi trong hư không. Mình bắt buộc phải tự suy luận là ai đó đã giúp hoặc chính Hiểu Phương đã nhớ lại địa chỉ của quán và tìm tới. Nhưng tại sao lại có sự chuyện tiếp rất nhanh này? Liên hệ nhân quả ở đâu trong tình tiết? Quả ở đây mà nhân ở đâu?  

Mình bị mất tập trung, xao nhãng. Tâm trạng rớt tuột, hụt hẫng. Mình đi đến một nhận định là phim làm rất vội và lơi nhịp trong phân đoạn này. Người đạo diễn có thể cho nhân vật mình du hành khắp nơi, khắp mọi chiều không gian lẫn thời gian nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự hợp lý. 

Một phút lạc của mình vậy là đã được xác định rõ ràng. Lạc, rối, hoài nghi nhưng vì chỉ là một điểm nhỏ, lại thuộc về tuyến phụ nên những trạng thái tiêu cực vừa kể không ảnh hưởng lớn đến tình cảm chung của mình dành cho TNRR.

Giờ mình đã lấy lại bước chạy đà rất tốt. Mình muốn tận dụng quán tính này để bứng gốc hoàn toàn sự LẠC của mình trong Song Lang.

#Nhiên