Trang

21.8.18

Khao khát biển xanh | SL#7

Biển hát chiều nay, Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Tôi có chung với Linh Phụng một nết tính. Đó là không hợp với đám đông. Có một nỗi lạc loài và dư thừa khi đặt mình ở giữa một nhóm người nào đó. Sâu bên trong là một sự bơ vơ, không biết đời nay đi đâu, đời sau về đâu. Vậy nên việc tôi rất dễ có tình cảm với Linh Phụng và cả Dũng cũng không phải là một sự khó giải thích. Nhưng phản ứng đó sẽ còn là một chuyện bàn sau, xảy ra về sau. Phút này, giờ này, 19 giờ 12 phút tôi đang thu lu ở một góc. Chẳng biết phải trốn nơi đâu giữa những náo nhiệt này. Người bạn 29 tuổi, người giữ chiếc vé Song Lang còn chưa tới. Lạc và chờ ngóng, cả hai trộn lẫn quyện hòa bên trong. Thế rồi…

…một tiếng hát. Thánh thót. Dọi xuống. Đâu đó. Trên cao. 

Chỉ trong vài giây, tôi đoán chưa tới 10 giây, nghĩa là chỉ cần 4, 5 nốt nhạc, tâm hồn tôi như được quay về. Nương tựa. Bình yên.

Thái Thanh? Không phải. Nếu liêu trai thì đúng. Ở đây chẳng có gì liêu trai cả! Một khúc hoan ca trong veo, tươi sáng, bội phần tươi sáng.

Tôi không hiểu về nhạc lý, chỉ là trực cảm. Và tôi thâu nhận một tình cảm hân hoan, vui vầy chuyên chở trong lời hát. Âm thanh gợi nên một dáng hình thật đẹp, một vẻ đẹp của sự rộng mở. Ngút ngàn. Tiếng hát đưa tôi về một chân trời cao rộng, thổi vào hồn sự khoáng đạt. Mênh mông. 

Màu sắc, dáng hình của âm thanh hoàn toàn nghịch đảo với nơi tôi đang chôn đứng. Thật kỳ lạ! Tôi tự hỏi, “Không biết ai? Ai đã cho phát bài hát này? Quyền lực nào?”. Ở một khu trung tâm mua sắm, ở đây hay ở đâu cũng vậy thôi, tôi thường bị ép buộc phải nghe, tôi không có quyền chọn, những bài nhạc kích động, tân thời. Sự định tâm, điềm tĩnh của tôi rất dễ chao đảo rồi trí óc chìm vào mộng, vào say, cuốn vào vòng xoáy mua sắm không kiểm soát.

Bản thân tôi đã là một kẻ đi lạc. Tôi không muốn sa lầy thêm hơn. Thế rồi một bài nhạc ở đâu đó như rơi như rớt. Từ trời. Không thuộc về chốn này, thời này. Bài nhạc ấy khiến tôi phấn chấn và tỉnh táo. Tôi như có thêm một đồng minh. Tôi không còn cô đơn!

Khi vào xem Song Lang, âm nhạc, một bài hát có lời đầu tiên vang lên, tôi nhớ không lầm đó cũng chính là những nốt nhạc đã mê hoặc tôi ở thời điểm đón khách trước đó. Đến khi xem phim lần hai, phân đoạn Dũng tập thể dục trên tầng thượng khu chung cư, khi khúc nhạc vang lên, đôi tai tôi không còn sự ngỡ ngàng nào nữa. Nhưng vẫn là đó! Vẫn là những rộn ràng, tha thiết, vẫn bắt tai vô cùng!

4 hôm sau, bỗng dưng tôi nhớ đến dáng hình, tôi nhớ màu sắc âm thanh ấy. Nỗi nhớ mong một đối tượng cuồn cuộn tức là đối tượng ấy đã thành một trú xứ trong trái tim. Trí nhớ của tôi có gì?

“Tiếng hát gợi lên những khát khao biển xanh.”
Hay là “tiếng hát dệt nên khát khao đại dương.”

Câu chữ nằm giữa hai dấu ngoặc kép là hành trang kiếm tìm. “Đại dương” hay là “biển xanh”. Tôi cứ đảo qua đảo lại hai tiếng cuối trong cùng một lệnh tìm kiếm. Vẫn không ra! Tôi từ bỏ ô chữ công cộng. Tôi vào hẳn một chuyên trang về lời bài hát. Có rồi! Cuối cùng cũng đã tìm ra tựa đề.

Có được tên bài. Có được nhạc phổ. Có được tên tác giả cùng năm tháng ra đời. Tiếp theo là những bản ghi âm. Bản có số lượng lượt nghe đúng hơn là xem nhiều nhất thuộc về Mỹ Tâm. Tôi tìm thấy một bản khác của Tùng Dương. Và một bản hát đôi có Ngọc Mai. Đây là những cái tên gần độ tuổi của tôi nhất. Với Mỹ Tâm, tôi bấm dừng ngay lập tức. Đơn giản là không hợp, không thích. Tôi không muốn để lý trí thuyết phục mình. Yêu hay không yêu, tôi muốn có một kết luận như điện xẹt. 

Tùng Dương giam giữ đôi tai tôi lâu hơn. Nhưng tôi ước rằng anh bỏ đi tất cả những đoạn ngân rung, luyến láy hay ú ớ phiêu linh gì đó. Anh sở hữu một chất giọng nam tính. Điều đó đáng quý và hiếm có. Chất nam tính đang rất cần trong nhạc Việt. Khi anh hát bài hát tôi yêu, anh cho tôi thấy ít nhiều chất hùng vĩ, hào hùng. Nhưng ở bài này tôi lại đang đi tìm lại một tình cảm sáng trong, một nỗi vui thinh nhẹ. Ngọc Mai đưa tôi gần hơn với thiên đường đã mất. Tôi đã từng nghe Ngọc Mai hát trực tiếp. Nhưng giờ hình như bạn đã có gia đình và do đó không còn thời gian để tập trung vào việc ca hát nữa. Sau 3 người trẻ này, tôi lần ra bản của Lê Dung. Nghe cách hát, cách hòa âm là tôi biết mình đã đến rất gần với cố nhân. Và cuối cùng tôi đoàn tụ với cái tên Thanh Loan. Tôi mừng rỡ, “Đây rồi, chính là đây!”. Nếu không đúng thì ít nhất cũng là hương này, tình này.

Thật quê mùa và xấu hổ! Phải đến năm 2018, phải đến khi có một Song Lang điện ảnh, tôi mới tiếp cận với một sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng. Tôi chưa từng nghe bài này. Hoặc nếu đã nghe thì nó đã trôi dạt đâu đó trong miền ký ức của một tuổi trẻ lạc lối, không phương hướng. Nếu có một bài hát gợi nhắc, vẽ ra cho tôi hình ảnh của một dòng sông, tôi chỉ có một cái tên duy nhất. “Chiều về trên sông” của Phạm Duy. Ngoài ra, không còn một đoản khúc nào khác. Tôi nghe nhạc rất ít. Vốn liếng âm nhạc rất nghèo nàn. Với bài hát mà tôi mới phát hiện, nó không tạc lên trong tôi hình ảnh của biển cả nhưng vẫn quyến rũ tôi vì đã soi chiếu tâm thế của một người đứng trước đại dương. Hẳn là khi đời sống có không gian, hạnh phúc dễ lùa vào. Bài hát ghi lại chân thực khối tình ấy. Như một sự chuyện đổi của không khí vậy. Ấm xua tan lạnh! Không quá nóng! Mát mẻ! Thanh lương! Người nghe sảng khoái và thâu nhận rất nhiều năng lượng tích cực. Trái tim như được mở ra và đúng là như vậy,

“Câu hát gợi lên những khát khao đại dương”.

Không sai một từ!Thế mà… Dũng! Dũng thể hiện một bộ mặt băng giá và vô cảm. Nhạc đường nhạc và anh đường anh. Không liên quan gì nhau! Biển với người khác có thể là vui, là tình ca. Còn với Dũng, đó là thống khổ, là khúc nhạc buồn. Cũng chẳng đáng là nhạc.

Những gì liên quan đến biển đều là một gợi nhắc cho anh về người mẹ. Bà đã đi đâu? Bà vượt biên mất rồi. Đã ra khơi mất rồi! Anh đã mất mẹ. Và đứa con trai cũng từ chối luôn cơ hội vượt trùng dương để gặp mẹ. Đặt bài hát ấy, dệt nên không khí hân hoan rồi xếp Dũng vào giữa những khung hình, tôi thấy có một sự tương phản lớn lao và gợi nên rất nhiều suy nghĩ.

Biển Hát Chiều Nay.

Tôi đã yêu ngay bài hát này từ lần lắng nghe đầu tiên. Và tôi cũng yêu luôn cách đặt bài hát trong dòng thời gian của Song Lang. 

Lần nào ngồi xem tôi cũng xem đến tận hàng chữ cuối cùng. Và tôi đã lưu được tên giám đốc hình ảnh cho bộ phim. Nhưng hơi tiếc là tôi quên mất kỹ sư âm thanh. Phải đến khi tôi tìm được tên của bài hát sau đó thì tôi mới nghĩ đến chức danh kỹ sư âm thanh. Song Lang sử dụng nguồn nhạc có lời, tiếng nền ngoài hình với một tần suất nhiều đến mức đáng ngờ. Đó không phải là một lối đặt để có chừng mực. Chẳng cần phải là một chuyên gia phân tích phim! Không khó để thấy những dãy âm được giăng mắc khắp nơi, từ loa phường, đến tivi và sóng truyền thanh. Tiếng của phim bộ vang lên từ khắp các con hẽm. Tôi nhìn thấy ở đây một bức tranh âm thanh càng về sau càng trương nở và có hai màu chủ đạo rõ rệt. Một bên là văn nghệ ép buộc, văn nghệ định hướng của cấp lãnh đạo. Một bên là giải trí tự nguyện, thậm chí trả tiền mua vé để được theo dõi của nhân dân. Một bên là ngày đến. Một bên là đêm về. Sự tương phản trong thái độ của Dũng mở rộng ra sự tương phản trong một đô thị. 

Quyết định sắp đặt các rãnh âm thanh đó khiến cho tôi nghĩ đến trước hết là tiền bản quyền. Nhẩm ra đó chắc chắn là con số không nhỏ. Kế đến tôi bằng lòng với một nếp nghĩ rất logic. Rằng âm thanh tạo nên không khí. Và ở đây, đạo diễn muốn tái hiện không khí của thập niên 80. Nhưng chính sự đầy tràn và mâu thuẫn đó, giữa một bên là những âm thanh được thâu sẵn, được ghi hình và một bên là việc ca hát trực tiếp ngay tại rạp có còn một ẩn ý nào không? Đó cụ thể là điều gì?

Khi đặt ra hai thái cực rất dễ dẫn đến sự phân biệt, chia tách. Bên này bên kia, bên thắng cuộc, bên thua cuộc, phương Nam phương Bắc. Từ đó nảy nở suy luận rằng những xếp đặt này là hàm ý miệt thị, hơn thua, coi cao đánh thấp. Tôi gạch bỏ hết tất cả. Tôi không nghĩ đến một chiều hướng tiêu cực và đen tối như vậy. Nếu có thì tôi nghĩ mình cũng đã đi hơi xa so với tinh thần của tác phẩm. Và nếu tôi vẫn bám giữ những suy tư dạng này thì có lẽ tôi đã vạch trần mình. Một con người thiếu trượng phu, mang trong lòng rất nhiều thương tích, tự chấn thương hoặc đã vô tư để những người khác, những ngươi vẫn chưa hết cơn sang chấn của thời cuộc di căn vào mình.

Nhờ Song Lang, Biển Hát Chiều Nay đã thành bài hát yêu thích của tôi. Giai điệu ấy dẫn đường tôi, đưa tôi trở về, nương tựa ý nghĩa căn bản của âm thanh. Đó là tạo ra không khí. Một Sài Gòn với những tiếng rao, tiếng hát về đêm. Một Sài Gòn với loa phường, truyền thanh ban sáng. Chỉ vậy thôi! Âm thanh Sài Gòn của năm tháng ấy ra sao bộ phim mong muốn tái hiện và phục dựng một cách chân thực. 

Tôi dọn đến Sài Gòn từ 1990. Gần khớp với khung thời gian của Song Lang. Màu sắc của tôi về năm tháng ấy đúng như màu Song Lang đã hiện lên trên màn hình. Tôi yêu màu sắc. Và tôi cũng yêu hết những thanh âm từ Song Lang. Yêu tiếng nền. Yêu lời thoại. Yêu tiếng hát, những bài hát từ cả hai phía, hai phương. Và tôi nghĩ người đã chọn nhạc, soạn nhạc hay xử lý âm thanh cho tác phẩm này cũng khoáng đạt, cũng bao la y đúng tinh thần của bài hát mở đầu. Sự lựa chọn đó chỉ là vì yêu. Mọi sự khơi nguồn từ tình yêu. Chỉ vậy thôi!

Tôi chưa đọc bất kỳ bài cảm nhận nào liên quan đến Song Lang. Tôi sẽ đọc khi hoàn thành hết những bài cảm nhận của mình. Đến khi đó, tôi mong, tôi hy vọng những người bày tỏ cảm xúc của họ về tác phẩm này có chung một sự khoáng đạt bao la như vậy. 

Như biển xanh. Như đại dương.

#Nhiên