Trang

4.4.18

Nơi hàng ghế khán giả | 3BOEM#5

THREE BILLBOARDS OUTSIDE EBBING MISSOURI., truy tìm công lý, đạm nhiên, góc o, Góc Nghệ

Mình đến rạp sát giờ. Nhìn đồng hồ trên xe bus, mình biết chỉ còn khoảng 10 phút nữa. Thế là quãng đường đi bộ từ Mạc Đĩnh Chi đến Đồng Khởi đã không còn là niềm thong thả như dự định.

Mình nóng vội băng qua các ngã tư. Mình hồi hộp đợi thang máy. Mình lo lắng quẹt màn hình lấy vé. Thật may là khi đã ngồi xuống ghế xem, phim vẫn chưa bắt đầu. Mình dành chút thời gian để tâm tư được buông lỏng. Chẳng hiểu sao không khí của rạp này cho mình một sự ấm cúng lạ thường. Kỷ niệm chưa có mà mình đã trực cảm sẽ còn quay lại nhiều lần nữa. Không gian có một sự ăn khớp đặc biệt với lòng yêu thích ẩn dấu trong thâm tâm.

Hàng ghế của mình có 2 bạn ngồi cạnh. Cả rạp có lẽ có khoảng trên dưới 10 người. Khi phim diễn tiến đến cảnh 3 tấm biển được dựng lên, đây chính là sự kiện châm ngòi cho các xung đột về sau, viên cảnh sát có những lời lẽ nhục mạ người dựng biển quảng cáo. 2 bạn ngồi cạnh ra chiều phấn khích rõ ràng với những tiếng chửi thề phát ra từ màn hình. Mình không nhìn bạn nhưng rất nhiều dữ kiện từ nội tâm của bạn tuôn bay vào ý thức. Và mình có thể nói rằng không chỉ có riêng 2 bạn ở rạp bị lôi cuốn bởi các màn đối đáp và đấu khẩu trong THREE BILLBOARDS OUTSIDE EBBING MISSOURI.

Đây là vấn đề đáng để mình suy ngẫm. Vì lời thoại thuộc về một trong 3 yếu tố (2 yếu tố còn lại gồm tiếng nền và âm nhạc) tạo nên phần thanh, phần âm thanh cho một bộ phim. Phim hay bắt buộc phải có lời thoại sao cho chân thực, chiết xuất từ đời sống. Lời thoại là một dấu chỉ. Chúng hé lộ tính cách nhân vật, tâm trạng khi phát ngôn, đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy bánh xe câu chuyện chuyển động.

TRUY TÌM CÔNG LÝ chỉ mới trôi đi chưa đầy 15 phút đã hằng hà những câu thoại thô tục. Nguyên do thứ nhất gây phấn khích cho khán giả đơn giản vì chúng là hàng thiệt. Những thứ giả trá không bao giờ có thể lay động các giác quan.

Con người khi cảm thấy bị xúc phạm, họ chửi thề. Cái tôi của họ bị đánh ám. Thế nên, chửi tục một hành vi phản kháng để cái tôi được bồi thường. Viết một lời thoại dựa đúng, chuẩn xác trên tâm lý này của nhân vật sẽ tạo nên tính thuyết phục. Cho phép một lời lẽ tanh dơ trình hiện, nhà làm phim chắc chắn có dụng ý. Còn nếu vô cớ, vô lý phơi bày ngôn từ bẩn thỉu, kết quả thu được không gì ngoài phản cảm. 

Nguyên do thứ nhì, mình liều đoán thế này. “Chửi thề” là một hành vi thiếu văn hóa, vô giáo dục. Và cũng bởi vì bị ngăn cấm nên tạo ra ước mong “nhúng chàm”. Đó là diễn tiến bên trong. Còn thông thường ý thức cũng như lề thói bên ngoài ngăn cấm hành vi này. Được phép và không được phép tạo ra một sự ức chế. Vậy nên bắt gặp một hình ảnh, một đoạn phim đánh tan sự kiềm hãm đó, người ta được giải tỏa. Họ phấn khích là vì thấy cái mong muốn “nhúng chàm” của mình được một bên thứ ba thực hiện.

2 nguyên do này tự động hiển hiện trong tâm trí. Mình không cố gắng ngồi đó để thúc ép tư duy. Trong thực tế, sự hiển hiện này chỉ là một chớp nhoáng. Khi viết thành nhật ký, mình có thời gian để diễn giải dài dòng. Mình không bao giờ chắc chắc với nhận định của mình. Nhưng đây là những gì đã xảy ra trong mình khi chứng kiến sự hưng phấn của 2 bạn. Thật đáng tiếc, đó cũng là tất cả những gì mình thu thập được! Vì lẽ 2 bạn không ngồi đến phút cuối cùng.

Một bạn bắt đầu lấy điện thoại ra để nhắn tin. Vùng sáng từ bàn tay của bạn ảnh hưởng đến việc xem phim của mình. Mình chậm rãi chống tay lên trán để tránh ánh sáng hắt ra từ đó. Có lẽ không để ý đến sự bất tiện của người kế bên, bạn vẫn say sưa bên màn hình nhỏ. Không lâu sau, 2 bạn đứng lên ra về. Phía trước mình vẫn còn vài bạn. Có 2 bạn khác, khi nãy vào khá trễ, ngồi cách mình mấy hàng. Mình thấy các bạn ngồi rất yên ắng. Khuôn mặt của các bạn này khi phim dừng chiếu sẽ là kho tàng thông tin tiếp theo của mình.

#Nhiên