Trang

8.4.18

Chờ tiếng khóc như chờ tiếng mưa đầu | TNĐG#5

Trăng nơi đáy giếng, Hãy khóc đi em, Vũ Đạm Nhiên, Góc O, Góc Không, Đạm Nhiên

Đêm qua tôi đi xem HÃY KHÓC ĐI EM. 

Đây là lần thứ hai thưởng thức vở kịch này. Lần đầu có cái gì đó bên trong mà tôi không thể diễn đạt trọn vẹn và ngọn ngành. Chỉ là một cảm giác bức bách, bất an và mệt mỏi. Lần thứ hai, tâm tư khác đi rất nhiều. Đây là một kinh nghiệm. Dù xem kịch hay xem phim, nếu sau một lần không quá chán nản với nội dung thì việc đi thêm lần nữa sẽ vùi đẩy cảm nhận thấm sâu thêm.

Việc tuột rớt cảm xúc ở lần đầu tôi đoán một phần là vì thời tiết. Suất diễn vào lúc 16h00. 14h00 tôi đã rời nhà vì có hẹn gặp trao đổi đôi điều với người bạn cùng xem. Khi ấy trời nắng nóng, sau đó lại mưa bất chợt. Sức khỏe thể chất và nội tâm của mình trong tuần lễ đó cũng không ở tình trạng ổn định. 

Một nguyên do khác là thời điểm đó tôi vẫn còn đóng đinh trong đầu mình những thước phim TRĂNG NƠI ĐÁY GIẾNG. Đây là phiên bản điện ảnh của tác phẩm gốc. Đất Huế, căn tính Huế, những con người Huế. Còn ở phiên bản sân khấu thì không gian đã chuyển thành Nam Trung Bộ. Tiếng nói khác, hành xử khác, tâm thức khác. Chính vì chưa xóa hết những định danh và địa giới nên khi vào xem kịch tôi vẫn chưa thể thích nghi với những đổi thay. 

Sốc nhiệt, thể trạng, tâm trạng và thêm vài cú sốc tâm lý lớn nhỏ khác hẳn là đã ảnh hưởng đến việc cảm thụ. Tuy vậy, khi ra về tôi cam đoan đây là một vở kịch dài có chiều sâu, có hồn cốt và kịch tích. Câu chuyện về cô Hạnh yêu chồng đến ngưỡng cực đại (mà cũng vì chính ngưỡng cực đại đó đã tạo nên bi kịch của đời cô) được dàn dựng với liên tiếp những lần lật đảo. Sau khoảng nghỉ giải lao, phần hai của HÃY KHÓC ĐI EM mở ra với 3 phiên lật đảo nối nhau. “Bất ngờ” là món quà mà khán giả được dâng tặng. Lần lượt 3 khuôn mặt của Phương, Hướng và Hạnh hiện hình. Từ nhân nghĩa sang ngụy quân tử, từ hào hiệp sang ngu si. Từ u mê sang tỉnh mộng, từ tỉnh mộng sang điên đảo. Thật sự là một đại tiệc mà ở đó người dự phần chứng kiến bao nhiêu dẫn giải sống động về tâm lý chuyên sâu và cả vô thức huyền diệu.

Cơn mưa từ sáng sớm cộng thêm cơn mưa lúc chiều về trong ngày cuối cùng của tháng 3 như một ưu đãi từ đất trời dành trao suất diễn lúc 20h00. Thân tâm an ổn. Dấu vết điện ảnh nhòa xóa. Và điều quan trọng nhất. Diễn xuất. Diễn xuất dàn diễn viên tốt hơn, thật hơn. Bao nhiêu điều kiện lớn nhỏ trong ngoài hội đủ để tạo nên một lần xem mãn nguyện. Tôi thu mình nơi hàng ghế, tập trung cho từng lần chuyển cảnh. Và chờ. Chờ phút giây cuối cùng. Chờ tiếng khóc ấy, tiếng khóc đầu tiên, tiếng khóc duy nhất. Chờ những giọt nước như chờ một cơn mưa mát lạnh đầu mùa…

“Tôi không có cái gì cả!”

“Chẳng có cái gì là của tôi cả!”

“Không có gì là của tôi cả!”

“Không có gì là của tôi cả!”

“Không có gì là của tôi cả!”

Chân lý “Không gì là của tôi” đó đã được Hạnh thốt ra 5 lần. Cô đã thả bay con chim lên trời cao. Thứ tình yêu mê mờ tù ngục cuối cùng đã được ánh sáng của minh mẫn chấp cánh. Trần Thị Hạnh sau cùng cũng đã tay trần chạm vào sự thật, chạm vào chân lý. Cô đã sống đúng, sống vừa vặn với cảm xúc thật của mình. Chân thật, trung thực với chính mình đã là một sự đền bồi. Như thế tức là cô được cứu rỗi. Và hẳn nhiên để đạt đến sự thăng bằng, phần thưởng ấy, người ta phải xuyên đâm… muôn trùng thương đau…

Hãy khóc đi em!

#Nhiên
ngày cuối cùng của tháng 3