Trang

30.7.17

Bao giờ yêu phim Việt | Bao giờ có yêu nhau

Bao giờ có yêu nhau, Dustin Nguyễn, Kiếp nào có yêu nhau, Đạm Nhiên
Nghĩ tới một câu đúc kết ngắn gọn cho Bao Giờ Có Yêu Nhau (BGCYN), trong tôi bật ra một câu hỏi song hành, “Bao giờ yêu phim Việt?” Chính bộ phim, chính một xuất phẩm như thế đã khiến tình yêu phim Việt trong tôi tưởng như vùi chôn theo năm tháng thì nay… nảy nở trở lại. 



1. 
Khi nữ chính tên Linh cầm lên bìa đĩa Kiếp Nào Có Yêu Nhau, cứ nghĩ sẽ là một bản hòa âm hiện đại với một giọng ca đương thời. Nào ngờ thay! Thanh âm ngày xưa vang bóng. Tiếng hát Thái Thanh cất lên. Vang rền, tái tê, nức nở. Đó cũng là khoảnh khắc nút thắt lớn nhất của bộ phim được tháo gỡ. 

“Bao giờ có yêu nhau” vốn dĩ là một câu được trích nguyên văn. Thật không ngờ, bài thơ ấy (sáng tác bởi Minh Đức Hoài Trinh, được phổ nhạc bởi Phạm Duy tại Sài Gòn năm 1958) lại còn được ưu ái hơn nữa, chiếm giữ hẳn một địa vị quan trọng trong mạch phim.

Nền Tân Nhạc Việt Nam mới chỉ là một diễn biến chưa tròn 100 năm. Nhắc cho nhau ghi nhớ về lịch sử có phần khiêm tốn đó, không thể nào bỏ quên Ngàn lời ca của nhạc sĩ Phạm Duy cùng tiếng hát Thái Thanh huyền thoại. Nếu một người yêu nhạc Việt lại không có bất kỳ kỷ niệm nào với cặp đôi Phạm Duy – Thái Thanh, tôi thiết tưởng đó sẽ là một thiệt thòi vô cùng to lớn. Vậy nên ngay khi câu ca “đừng nhìn em nữa, anh ơi” khởi ngân, đúng vào trường đoạn cao trào của bộ phim, bản thân tôi không tránh khỏi niềm cảm động bồi hồi. Đó không chỉ là thủ pháp của một đạo diễn mà còn là một sự vinh danh, trân trọng giá trị, những vốn quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam. 

Có lẽ với phần đông những tai nghe như bây giờ, bài hát và những tình cảm ẩn chứa bên trong sẽ khó lòng xâm chiếm và ở lại dài lâu. Nhưng tôi chờ mong ít nhất sẽ có một nhóm nhỏ những người trẻ thắc mắc, bàn luận, tìm hiểu. Để rồi họ có thể quyết định quay về, lục tìm quá khứ, phục chế lại những căn tính Việt Nam trong tâm hồn mình. Đó hẳn sẽ là tin mừng không riêng cho một người làm phim, làm văn hóa như anh Dustin Nguyễn. 


2.
Trước ngày công chiếu, tôi đã xem rất nhiều bài phỏng vấn. Tôi tìm cả những tư liệu liên quan đến bộ phim trước đó là Trúng Số. Hình dung của tôi về anh Dustin Nguyễn là một người thành thực, kỹ lưỡng, tinh tế và hết lòng nâng đỡ cộng sự. Sau khi rời khỏi rạp, những nghĩ cảm sơ khởi của tôi càng được xây chắc thêm hơn. 

Minh Hằng đã có một màn thể hiện rất đáng nể. Còn quá sớm để có thể nói rằng đây là dấu son trong sự nghiệp của chị. Nhưng sẽ rất khó cho nữ diễn viên này trong việc lựa chọn một vai diễn tiếp theo sau. Bởi lẽ với sự hóa thân một lúc thành cả 3 nhân vật trong BGCYN, tôi cảm tưởng Minh Hằng đã chạm đến đỉnh cao nhất trong thực lực hiện có của mình.  

Viết về những điểm sáng, ngoài diễn xuất của Minh Hằng, cần phải đề cập đến kịch bản. Khoảng 30 phút đầu là một sự dàn xếp có chủ ý rất rõ ràng. Lần lượt những ẩn ngôn bằng hình ảnh được giới thiệu. Đóa sen trắng, chiếc xe màu xanh, cánh bướm, bóng ma, giấc mơ v.v… Tư duy người xem bị chia tách ra thành hàng loạt nghi vấn. Chúng đổ nhào theo rất nhiều ngã hướng, như rơi vào một giao lộ mịt mù. Và Bàu Trắng trở thành địa điểm gom tụ tất cả sự phân tán. Những lời giải hay là chiếc chìa khóa được gởi trao nối tiếp nhau không ngừng qua từng phân cảnh. Không khác gì sóng trào từng đợt, hết lớp này đến lớp khác.

Đài từ của cặp diễn viên theo tôi là ổn định so với mặt bằng chung trong thời điểm hiện tại. Điều này góp phần gìn giữ cảm xúc của người theo dõi. Lời thoại có đôi chỗ không được tự nhiên, có khi gợi cảm giác không nói thì tốt hơn. Những cảnh hôn dường như nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng cách dựng phim tỉ mỉ, chăm chút đến từng góc cạnh và đậm đặc ngôn ngữ điện ảnh đã phủ mờ đi những thiếu xót vừa kể.

BGCYN được truyền thông là một bộ phim tình cảm. Toàn bộ tuyến nhân vật chính lần lượt xuất hiện với một nết tính chung. Họ đều lụy tình. Họ lụy tình theo một vẻ riêng và chạy tìm nhau qua nhiều kiếp. Chất ma mị này được đan cài thêm sắc thái trinh thám qua những phân đoạn hồi tưởng quá khứ hiện tại và một loạt ẩn ngôn giăng ra từ phần đầu của bộ phim. Cộng với nỗ lực ngay từ đầu nhất quyết nói không với những tình huống hài đang là công thức ăn khách. Tất cả đã làm nên một bức tranh đẹp, độc lập và ấn tượng.

Kiếp nào có yêu nhau, Bao Giờ Có Yêu Nhau, Đạm Nhiên
Bìa tập nhạc xưa

3.
Cầm trong tay tấm vé BGCYN, bước đến chỗ ngồi, thú thật tôi vẫn còn rất nhiều nghi ngại. Hẳn nhiên, như bao người muốn ủng hộ điện ảnh nước nhà, tôi chờ mong một tác phẩm có kịch bản tốt, diễn xuất chân thực và được dàn dựng bởi một tâm hồn thấm nhuần văn hóa bản địa. Tuy vậy, những gì trông thấy trong 4 năm gần đây đã khiến tôi bớt đi nhiều mơ mộng. Tôi đã trở nên thực tế hơn rất nhiều mỗi khi chứng kiến một chiến dịch quảng bá phim Việt. Kể ra điều này thật đáng buồn, rất buồn khi thấy lòng tin nơi mình vơi giảm và ngày càng đi theo chiều hướng tiêu cực.

Nhưng… ngay khi hình ảnh cây thủy tùng sừng sững xuất hiện, mối ngờ vực của tôi nhẹ nhàng tan biến. Tôi trở về với vai trò một người thưởng thức đơn thuần. Thư thả và sảng khoái, tôi sống trong niềm hạnh phúc giản dị là được xem một phim nói tiếng Việt, diễn quay tại một ngoại cảnh Việt, được rung động trực tiếp mà không phải thông qua giọng đọc thuyết phim hay câu chữ phụ đề.

Tôi tự biết mình chưa đủ năng lực để nhận định nhiều về Dustin Nguyễn và con đường điện ảnh của anh. Nhưng xem xong BGCYN, tôi thấy lòng phấn khởi, tin yêu, có một cái gì đó tươi sáng, trong lành đang lan tỏa. Tôi cố ngồi lâu hơn để kịp nhớ tên những anh chị trong equipe. Thật cảm động khi thấy những danh xưng Việt Nam ở phần dựng phim, biên kịch rồi giám đốc sản xuất. Muốn nói với tất cả anh chị, “Hãy cố lên, vững tin và chế tác thật nhiều bộ phim tử tế, thuần Việt hơn nữa, anh chị nhé.”

Phim kết thúc. Đôi chân đã in dấu trong đời thực. Vậy mà thật lạ, tâm trí tôi vẫn còn vương vấn với những khung hình. Ẩn ngôn vẫn còn ở lại trong tôi, tiếp tục xoay chuyển, tiếp tục khơi gợi thêm những mộng tưởng, ngân rung lên những cảm tình về Bàu Trắng, về tấm thiên nhiên vô giá mà bất cứ ai trong chúng ta nguyện sẽ một lòng bảo vệ và gìn giữ. 

Ngay giây phút này đây, Sài Gòn đang mưa đổ. Những cơn mưa cuối cùng cũng tuôn rơi sau một chuỗi ngày nắng hạn đăng đẳng. Lòng tôi mát mẻ, cũng như mưa kia... hãy còn miên man không dứt...về một chuyện tình vượt không thời, về lời van nài khắc khoải của một “Kiếp nào có yêu nhau”…

- Đạm Nhiên -
18.5.2016