Trang

25.6.17

Mộng Cô | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +16

Đỗ Phước Tiến, Đạm Nhiên, Đảo Của Dân Ngụ Cư, Góc O
Tôi chụp tấm ảnh này vào ngày 24.3. Nếu đặt vào dòng thời gian thì sẽ có con số 77. 77 ngày trước khi Đảo Của Dân Ngụ Cư được công chiếu. 

Tấm ảnh được chụp bằng chiếc điện thoại cũ nát. Ở phương diện nghệ thuật thì nó hầu như không có giá trị gì. Vì lẽ là tôi chưa từng học một buổi nào liên quan đến nhiếp ảnh. Bối cảnh là một cánh đồng ở Bình Dương. Tôi cố tình chuyển dịch nhân vật chính của mình (đôi dép) ra góc phải. Khoảng trống màu xanh còn lại là một sự để dành. Tôi để dành cho một câu chữ nào đó phù hợp sẽ xuất hiện trong tương lai. Nếu chúng xuất hiện, tôi sẽ đem mang vào khung hình. Một cách vô tình tôi đã trở thành người xếp chữ. Thực lòng là tôi vô cùng yêu thích bộ môn này. Mặc dù, cũng chẳng khác gì nhiếp ảnh, tôi chưa từng trải qua một khóa typography chính thức nào. 

Việc sắp chữ của tôi vì vậy tiêu tốn khá nhiều thời gian. Tiêu chuẩn của tôi vô cùng đơn giản. “Đẹp là được”. Nhìn vào thấy đẹp thì xem như việc xếp chữ hoàn tất. Vậy nên tôi sẽ loay hoay với những bộ font, gióng hàng, khoảng cách giữa các ký tự, độ trong suốt của màu hay những điểm nhấn tinh vi. Tất cả cũng chỉ vì một mục đích. Đẹp. 

Nếu Đẹp là ga cuối trên hành trình của tôi thì trạm đầu tiên phải là Chữ. Không có Chữ thì vạn sự thành không. Việc chụp ảnh của tôi do đó chỉ có một tác dụng. Chờ Chữ. Chờ Chữ như chờ Mộng Cô.  

Đêm nay, 25.6.2017, sau đúng 3 tháng, tôi đã tìm được “ý trung nhân”. Con chữ yêu nữ thôi miên trong tâm thức giờ đã xuất hiện.

“Sự thăng hoa của nội tại mới thực sự là bước đi của con người trong cuộc đời”. 

Nguyên văn được trích từ truyện ngắn Đảo Của Dân Ngụ Cư (Đỗ Phước Tiến). Câu nói trên theo tôi chính là sự tóm lược hoàn hảo nhất cho tác phẩm văn học này. 21 trang khổ A5 của truyện ngắn. 65 trang A4 của kịch bản điện ảnh. 10 năm kiếm tìm nguồn tài chính để dựng phim. Và cuối cùng là 91 phút cho những khuôn hình ra rạp. Biên độ thời gian từ khi chính thức ra mắt truyện ngắn đến ngày công chiếu phiên bản điện ảnh là 25 năm. Tất cả những con số vừa kể, tâm lực và thời gian của một phần đời suy cho cùng cũng chỉ là nỗ lực, sự gắng cố để diễn giải câu nói ấy. Nhà văn dùng chữ. Đạo diễn dùng hình cộng thêm âm thanh để làm sống dậy 4 tiếng. “Thăng hoa nội tại”.

“Thăng hoa nội tại” trong ngoặc kép với tôi là thêm một sự cô đúc nữa để tóm lược về tư tưởng của cả hai phiên bản văn học lẫn điện ảnh. Và tôi liều nghĩ rằng, cụm từ này cũng chính là chiếc khóa vàng mở tung mọi căn phòng bí mật về ngữ nghĩa trong cả hai tác phẩm.

Trở lại với bức ảnh chụp tại Bình Dương, tôi đã có đôi dép. Và vế sau của câu chữ nhơn tình, “bước đi của con người trong cuộc đời” như là sự khế hợp hoàn hảo. Ảnh và chữ như riêng dành cho nhau vậy. Tiếc nuối duy nhất là tôi chưa đủ hiểu biết về thuật xếp chữ để có một bức hình hoàn hảo. Những gì bày biện là tốt nhất của tôi, tốt nhất trong sự hạn chế của tâm và tài. 

Tôi sẽ đặt ảnh vào khung ảnh ngang trên tường nhà. Vì bố cục sẵn có của một trang cá nhân nên tôi phải chuyển dời khung chữ theo hướng 10 giờ thay vì 9 giờ như ảnh gốc. Tấm ảnh như một niềm quý kính tháng 6. Và màu đỏ hay hồng tươi chính thực là màu của tin vui, của điềm lành.

Nhiên
25.6.2017

Đỗ Phước Tiến, Đạm Nhiên, Đảo Của Dân Ngụ Cư, Góc O