Trang

29.6.17

Leaflet | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +20

Đảo Của Dân Ngụ Cư, Đạm Nhiên, Góc Không

"Có những cánh cửa...không nên nhìn vào". Nhưng mà khi đọc hết câu này thì đã nhìn vào rồi. Mà đã lỡ nhìn một lần thì sẽ nhìn lần tiếp, nhìn lần hai, nhìn lần ba. Bốn lần rồi mà vẫn chưa thỏa mãn với những xoay vần hình ảnh và âm thanh của Đảo.


Sau ảnh dán tường Đảo Của Dân Ngụ Cư, nay là lúc tôi viết cảm nhận về tờ rơi. "Leaflet" có phải là tên tiếng Anh của ấn phẩm này không? Với kích cỡ khi đặt trong lòng bàn tay, tôi hy vọng là đúng.

Dưới đây là 5 đúc kết từ tờ rơi này!


1. Một cách để luyện đọc

Lần đầu thăm Đảo, tôi nói tên phim. Em gái bán vé xinh đẹp lập lại, "Đảo của dân..." đến 2 tiếng "...ngụ cư" thì tôi thấy em xém cắn lưỡi. Những người trẻ khoảng từ 18 đến 28 tuổi tôi gặp, phần nhiều là những người nói nhanh. Có khi quá nhanh! Đó là dấu hiệu của tốc độ xử lý thông tin như điện xẹt của các bạn. Cái gì nhanh, như tên một bộ phim, sẽ nguy hiểm. Nặng thì vạ miệng. Nhẹ thì mất duyên. Con trai lẫn con gái đều cần duyên. Thứ duyên trong ăn nói ấy với tôi là một dạng thể thao. Đã là thể thao thì tôi cần luyện tập. 

"Đảo Của Dân Ngụ Cư" thực là một bài tập đơn sơ nhưng căn bản. Thử phát âm 5 tiếng ấy trong các cuộc hội thoại hằng ngày. Cẩn trọng một chút, từ tốn một chút! Khoa ăn nói của tôi có khi khởi sắc nhờ những chút chút như vậy.


2. Bàn tay gấp

Xem đúng buổi công chiếu 9.6, tôi hỏi có tờ rơi phim không. Em nhân viên đứng quầy luống cuống quay sang bạn bên cạnh. Phim mới quá mà! Chưa kịp bày lên kệ đứng nữa. Tôi thấy hai bạn trao đổi một hồi rồi lục trong ngăn kéo. Thú thật là lần đầu cầm tờ rơi, tôi cứ nghĩ là in ấn đã bị sai sót. Mặt trước là cảnh giường chiếu. Mặt sau là khuôn mặt của Chu. Hai bên hai cánh cửa. Một bên là "cánh cửa nhìn vào". Một bên là "có những không nên". Tôi kẹp vào quyển sách rồi cứ thể xem phim và cũng không buồn suy tư gì cả.

Đến lần xem thứ hai thì thấy tờ rơi được gấp lại tôi mới có chút kinh ngạc, "Mình đã quá hời hợt". Vậy là về nhà, tôi ngồi gấp lại bằng niềm hổ thẹn lẫn vui sướng như đang kinh qua một lạc thú. Phải có một bàn tay gấp sẵn như thế thì mới hiểu được dụng ý của người ta!

Phim "Đảo Của Dân Ngụ Cư" chính thực là một trải nghiệm tương tự. Xem phim lần đầu, bạn sẽ có cảm giác có gì đó lạ lùng và không thể thấu nổi. Nhưng nếu may mắn, may mắn lẫn dũng cảm, bạn sẽ gặp một bàn tay gấp, một nếp gấp được gợi ý từ ai đó. Ai đó nên là người thuộc về đoàn làm phim hoặc những người có sự đồng điệu với phim này. Rồi bạn gấp thử và bạn có thể bàng hoàng trong một niềm cảm xúc trái ngang ngược xuôi khó tả.


3. Thuật viết lời quảng cáo

Khoảng 1 hay 2 năm gần đây, tôi thấy nhan nhản các quyển sách được gọi là "nghệ thuật", chuyên sâu vào các đề tài viết quảng cáo. Sách khá đắt và cũng không phải loại sách tôi thích nữa nên tôi cũng chưa có cơ hội được đọc. Nhưng tôi biết rằng quảng cáo là một ngành công nghiệp có doanh thu khổng lồ. Phim 3 đồng mà có khi quảng cáo tốn thêm 2 hoặc 3 hoặc hơn. Nhìn vào những phim như thế mà tôi kinh hoàng. Tôi không hiểu sao quảng cáo hay truyền thông lại có ma lực và tiêu tốn một nguồn kinh phí khủng khiếp như vậy.

Tôi chỉ thích những gì gọi là chân giá trị. Nếu quảng cáo thành công, kéo được người đến mà giá trị là không thì thành ra phản tác dụng. Sợ nhất là như vậy!

"Có những cánh cửa...không nên nhìn vào", nhận định của tôi là người viết hẳn phải rất thông minh. Thành công ở đâu không biết nhưng với tôi là đã đại thành công rồi! Đầu óc tôi chỉ nhớ danh từ, nhớ động từ. Tôi không để tâm tới các thể phủ định, khẳng định. Và thường thì tôi chỉ nhớ những gì ở cuối câu. "Cánh cửa..nhìn vào..." đặt ở một bên cửa còn "có những không nên" đặt ở bên kia cửa. Hệ lụy là trong đầu tôi chỉ lưu giữ "cánh cửa" và "nhìn vào" thôi. Tôi đã là con dê bị sập bẫy ngôn từ.

Thử thay hai cánh cửa sổ bằng khuôn mặt đẹp tuyệt trần của Chu lúc thắp nến trước gương mà xem. "Có những khuôn mặt...không nên nhìn vào". Trời ơi! Nhìn mà còn thèm như thèm một ly kem ấy chứ! Thay bằng đôi chân trên nền biển xanh thử coi. "Có những đôi chân...không nên nhìn vào". Ập tuôn màu xanh vào mắt người ta như vậy mà kêu không nhìn...

Thanh Tâm, trái tim màu xanh, Thanh Tâm, trái tim xanh giữa lòng biển xanh. Hãy thử đọc câu tôi vừa viết! Trong đầu của bạn sẽ có gì?


4. Cuộc nổi loạn

Cầm tờ rơi đã được gấp ba. Hai tay nâng lên rồi ngón cái nhúc nhích. Không phải đơn giản chỉ là mở ra cánh cửa đâu! Bạn đã tái hiện lại hành động của Phước rồi đó và cả Miên nữa! Hai chàng trai cùng leo tường, băng qua mái ngói để đến với căn phòng của mỹ nhân. Mỗi chàng leo theo một lối khác nhau. 

Hành vi leo tường ấy có một sức gợi hình rất lớn. Miên là một người Khmer, xù xì đó mà đơn thuần đó. Miên chỉ cần da trắng bì bạch thôi. Còn Phước, vốn dĩ là giang hồ, thơ ngây chỉ là diện mục còn bên trong là sóng ngầm. Miên nhảy tường vào ban đêm. Còn Phước thì đập mái bất chấp đêm ngày. Sự ấy thật sự là một phong trào nổi loạn của hai kẻ người làm. Thân phận là gia nô mà dám cả gan phát sinh dục tình với ái nữ của ông chủ. Từ một điểm thấp mà không màng, bất chấp địa vị hạ đẳng để vượt cấp...Cách mạng là đây!

Mở cánh cửa nếu bàn tay ấy của Phước hay Miên thì chính thực là một hành vi khởi nghĩa.


5. Ai là người mở?

Khi mở cửa rồi sẽ thấy gì? Nếu chỉ thấy xác thịt, thấy đồi trụy thì dấu bám bấu là Miên. Nếu chỉ thấy bình yên, thấy chữa lành thì trái tim rên rỉ là Phước. Nếu thấy muốn xoa dịu, muốn ôm lấy Chu thì là mẹ Xiếm Hoa. Nếu chỉ la hét, "Đứa nào?", "Ai dựng tuồng này?", rồi đay nghiến, hăm dọa, xúc xiểm, vùi dập, cắt cổ, tế thần thì đích thực lão gia Chệt Liếm. Còn bàng quang, vô tư lự, "xin mọi người cứ tiếp tục" thì Ahmed không sai.

Tôi là những gì tôi nhìn thấy. Bạn là những gì bạn thấy. Mà nếu dùng mắt thì không thể thấy hết. Vì rất nhiều thứ chẳng nào thấy được bằng mắt hay bằng đầu và bằng cả tim. Tôi phải vận dụng hết sáu giác quan và phải nhờ thêm bề trên để khai thông cái thứ bảy, thứ tám. Có khi phải nhập xuất, xuất rồi nhập như vậy mới thấy được nhiều hơn.

Đừng bao giờ nhìn vào cánh cửa ấy!
Đừng bao giờ nhìn vào khuôn mặt ấy!
Đừng bao giờ nhìn vào đôi chân ấy!


Nhiên
29.6.2017